Diễn ngôn là cách ngôn ngữ được sử dụng để truyền đạt tư tưởng và thông điệp trong các bối cảnh xã hội cụ thể. Nó không chỉ là lời nói hay văn bản, mà còn là những hệ tư tưởng và giá trị sâu sắc hơn, hoạt động ở nhiều cấp độ từ cá nhân đến toàn cầu.
Lấy ví dụ về diễn ngôn giáo dục, ở mức cá nhân, giáo viên có thể thúc đẩy tư tưởng coi trọng giáo dục bằng cách khẳng định rằng “học tập là con đường duy nhất để thành công,". Ở mức độ cộng đồng, người ta có thể đánh giá học sinh dựa trên thành tích và điểm số, thể hiện giá trị của thành tựu học tập. Còn ở cấp quốc gia, chính sách giáo dục nhấn mạnh vai trò của giáo dục trong phát triển quốc gia. Trên toàn cầu, các tổ chức như UNESCO tuyên bố giáo dục là quyền cơ bản của con người, thể hiện sự nhất quán trong diễn ngôn quốc tế.
Hiện nay, diễn ngôn bảo vệ môi trường hiện đại chủ yếu xoay quanh các vấn đề như biến đổi khí hậu, ô nhiễm và suy giảm đa dạng sinh học. Nó được dẫn dắt bởi các chính phủ, tổ chức quốc tế, nhà khoa học và các tổ chức phi chính phủ. Những thông điệp thường thấy tập trung vào giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng tái tạo và phát triển bền vững. Diễn ngôn này mang tính chất khoa học và toàn cầu, nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu, thống kê và các biện pháp can thiệp mang tính kỹ thuật. Nó phản ánh mối lo ngại về tương lai của hành tinh và nhấn mạnh sự cần thiết của các hành động khẩn cấp và sự hợp tác quốc tế để bảo vệ môi trường cho các thế hệ sau.
Ngược lại, diễn ngôn về môi trường của các cộng đồng bản địa thường dựa trên một mối quan hệ hài hòa và bền vững với thiên nhiên. Môi trường không chỉ là một tập hợp các nguồn tài nguyên để khai thác, mà còn là được coi là linh thiêng và là một phần quan trọng của đời sống tinh thần, văn hóa và xã hội. Việc bảo vệ môi trường không chỉ đảm bảo sự sinh tồn của loài người mà còn để duy trì bản sắc văn hóa và tinh thần của cộng đồng. Tri thức về tự nhiên của người bản địa thường mang tính chất truyền thống, dựa trên kinh nghiệm hàng thế kỷ, và tập trung vào việc sử dụng tài nguyên một cách cân bằng và bền vững. Họ phản đối việc khai thác môi trường theo cách làm tổn hại đến hệ sinh thái và nền tảng văn hóa của mình.
VD: Người Māori ở New Zealand thường coi các dòng sông và ngọn núi là "tổ tiên" hoặc "thực thể sống", và việc bảo vệ chúng đồng nghĩa với việc bảo vệ các thế hệ của cộng đồng, người Inuit ở Bắc Cực có kiến thức chuyên sâu về sự biến đổi của băng và các loài động vật, giúp họ hiểu rõ tác động của biến đổi khí hậu ngay từ những dấu hiệu nhỏ trong tự nhiên, hoặc người Mapuche ở Nam Mỹ đã nhiều lần phản đối việc khai thác rừng để làm đồn điền cây gỗ công nghiệp vì ảnh hưởng đến hệ sinh thái địa phương và quyền sinh sống của họ.